Hôm nay Mie xin chia sẻ công thức làm bánh mì hoa cúc này, mặc dù khâu nhồi bột khá đơn giản nhưng bạn sẽ phải ủ bột tới 3 lần.
Tuy nhiên, thành quả đem lại sẽ cực kỳ ưng ý, thớ bánh cực kỳ dai và tơi xốp, rất mềm mà vẫn giữ được mùi vị thơm ngon, đặc biệt là không bị ngấy như bánh truyền thống nghen các nàng ơi.
Bánh mì hoa cúc
Bánh mì hoa cúc hay Brioche là một loại bánh mì có nguồn gốc từ Pháp. Nếu bạn là người yêu thích bơ và muốn thưởng thức một chiếc bánh mì ngọt, ngào ngạt hương bơ nhưng mềm xốp bánh mì hoa cúc là chọn lựa thần thánh, ahehe.
Với thành phần giàu bơ nè và trứng, bánh mì hoa cúc có một lớp vỏ mềm, ẩm và vàng sẫm. Khi nướng lên, bánh luôn có thớ mềm và xốp, hương vị vô cùng tuyệt vời.
Bánh mì hoa cúc có rất nhiều kiểu tạo hình, nhưng mọi người thường thắt bím để khi nướng sẽ được thành phẩm bung thớ như những bông cúc vàng ươm nở rực rỡ. Đó là lí do vì sao mọi người hay gọi Brioche là bánh mì hoa cúc.
Giá trị dinh dưỡng của bánh mì hoa cúc
Các nguyên liệu làm bánh mì hoa cúc có chứa một lượng lớn chất xơ tốt cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Nếu ai có ý định giảm cân mà vẫn muốn cân bằng dinh dưỡng thì nên sử dùng bánh mì hoa cúc vì loại bánh này chứa rất ít calo.
Các hạt như: hạnh nhân, hạt bí, hạt chia có trong bánh mì hoa cúc giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất, giúp trí não hoạt động tốt hơn. Đồng thời ngăn các bệnh về tim mạch, giảm cholesterol trong máu.
Bánh mì hoa cúc còn cung cấp một lượng sắt, đạm và protein cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, trong bánh mì hoa cúc còn có nhiều vitamin A,E và canxi giúp xương khớp chắc khỏe hơn.
Cách làm bánh mì hoa cúc
Nguyên liệu
38gr bơ động vật không muối.
80gr kem tươi 30 – 35% béo.
40gr sữa tươi không đường.
40gr đường.
3ml chiết xuất vani.
2gr muối.
2 cái trứng gà (110 – 120gr tính luôn vỏ).
260 – 300gr bột bánh mì (bột mì dai/số 13).
5gr men instant.
Hạnh nhân lát, hạt chia, hạt bí rang… để trang trí tăng thơm ngon.
Dụng cụ
Khuôn loaf cỡ 24 x 10 x 6cm hoặc các khuôn tương đương. Nếu không có khuôn thì bạn có thể nướng bánh trên khay đã được chống dính hoặc lót giấy nến/tấm nướng silicon. Bánh nướng không dùng khuôn sẽ hơi bè một chút về chiều ngang.
Lò nướng, nếu không có lò chuyên dụng thì bạn có thể dùng lò thủy tinh, nồi chiên không dầu hoặc lò vi sóng có chế độ nướng.
- Thố trộn bột, phới lồng… Nếu có máy trộn bột hoặc máy làm bánh mì thì bạn có thể tận dụng luôn chức năng trộn bột để đỡ hao sức mỏi tay.
Thực hiện
Bước 1:
Cho bơ, kem tươi, sữa tươi và đường vào âu. Đun cách thuỷ, quấy liên tục tới khi bơ tan chảy, nguyên liệu hoà quyện hết vào nhau.
Khi nguyên liệu tan chảy hết, bạn tắt bếp, để hỗn hợp nguội về khoảng 30 – 35ºC (sờ vào thấy hơi ấm) để không làm chết men khi trộn.
Bước 2:
Đập 2 cái trứng vào thố, chỉ đánh tan nhẹ chứ không đánh bông lên bạn nhé.
Bước 3:
Khi hỗn hợp sữa bơ đã nguội bớt thì cân 75gr trứng trong số trứng đã đánh bên trên, cho vào âu.
Thêm 2gr muối và vani rồi trộn đều các nguyên liệu. Phần trứng còn lại để dành quét mặt bánh.
Bước 4:
Cho thêm 130gr bột vào hỗn hợp trên rồi trộn đều tay cho tới khi tất cả các nguyên liệu quyện vào nhau thì cho thêm 130gr bột nữa rồi trộn tiếp.
Bước 5:
Dùng khăn ẩm đậy lên mặt âu khoảng 10 – 15 phút cho bột ngấm ẩm rồi trộn tiếp.
Nếu sau khi để 15 phút mà bột vẫn còn rất ướt thì tiếp tục cho thêm đến khi hết bột hoặc đến khi bột còn hơi ướt và dính tay, không quá dính âu thì dừng lại.
Bước 6:
Nhồi bột bằng tay khoảng 10 – 15 phút tới khi bột mịn, dẻo, đàn hồi tốt, ấn lên bột thấy vết lõm phồng trở lại. Không cần nhồi tới khi bột có thể xé màng mỏng vì việc ủ 3 lần và tạo hình thắt bím sẽ giúp bột dai hơn.
Nhồi tới khi bột chuyển thành khối mịn dẻo là được.
Tránh nhồi quá đà, gluten bị hỏng, bột sẽ chuyển sang dạng ướt nhão.
Bước 7:
Cho bột vào âu có quét 1 lớp dầu ăn mỏng, lật bột để bên ngoài khối bột được bao bởi dầu ăn (tránh cho bột bị khô khi ủ). Đậy âu bằng khăn ẩm, ủ ở nhiệt độ phòng tới khi bột nở gấp đôi.
Thời gian ủ dao động trong khoảng 60 – 90 phút tuỳ nhiệt độ, ở nhiệt độ ấm áp bột sẽ nở nhanh hơn.
Bước 8:
Khi bột đã nở gấp đôi thì ép cho hơi khí trong bột thoát ra ngoài.
Nhồi lại nhẹ nhàng 1 – 2 phút rồi tạo hình bột thành khối, cho vào âu, đậy khăn, ủ lần 2 ở nhiệt độ phòng tới khi bột nở gấp đôi.
Nên bọc kín khối bột bằng nilon bọc thực phẩm rồi ủ trong tủ lạnh khoảng 2 – 2,5 giờ (tới khi bột nở gấp đôi). Bột ủ trong tủ lạnh sẽ dễ tạo hình hơn và bánh cũng ngon, thớ dai hơn.
Bước 9:
Sau khi ủ lần hai, ép cho khí thoát ra khỏi khối bột rồi nhồi lại trong khoảng 1 phút. Cân và chia bột thành 3 sợi dài khoảng 28 – 30 cm (dài hơn độ dài của khuôn một chút).
Để tạo hình bánh mì hoa cúc, bạn tết 3 sợi thành bím như bím tóc rồi đặt vào khuôn.
Đậy khăn ẩm, ủ ở nhiệt độ phòng tới khi bột nở khoảng 80% là được. Vì dùng khuôn kim loại thì bạn nên quét một lớp chống dính trước khi cho bột vào nhé.
Nướng bánh
Bật lò nướng ở 175ºC, chế độ 2 lửa.
Hoà phần trứng còn lại lúc nãy với 1 muỗng nhỏ nước (5ml), lọc qua rây rồi nhẹ nhàng quét trứng lên mặt bánh, xếp hạnh nhân lát, hạt bí lên trên. Rải ít hạt chia đều mặt bánh.
Nướng bánh trong 25 – 28 phút, không nướng quá lâu, bánh sẽ dễ bị khô.
Nếu không có lò nướng chuyên dụng, bạn có thể sử dụng lò thủy tinh, nồi chiên không dầu, lò vi sóng có nướng để thay thế.
Bảo quản bánh thế nào
Khi bánh chín, bạn lấy ra khỏi khuôn, để nguội. Bảo quản bằng cách để trong túi giấy kín, dùng trong 3 ngày là ngon nhất. Hoặc bạn có thể bọc kín bằng nilon rồi để ngăn đá, khi ăn rã đông trong ngăn mát tủ lạnh, với cách này, bạn có thể dùng bánh mì tận 2 tháng đấy.