Blog Single

Hướng dẫn tầm soát ung thư cổ tử cung cho nàng

Cổ tử cung là gì ?

Vị trí cổ tử cung

Vị trí của cổ tử cung là phần sau của tử cung dạng như miệng cá đường kính từ 2-4cm nối tiếp âm đạo với tử cung, có thành dày màu hồng nhạt và rất chắc với một lỗ mở rất nhỏ ở trung tâm, còn thân tử cung là nơi phát triển và chứa đựng bào thai. Cổ tử cung là nơi quan trọng để phòng ngừa các mầm bệnh lây từ âm đạo vào tử cung.

Vết trắng ở cổ tử cung là bệnh gì? | Vinmec

Cấu tạo cổ tử cung

Cấu tạo cổ tử cung chỉ là một lỗ khá nhỏ, kích thước có khả năng thay đổi theo giai đoạn nhất định của cơ thể như trong một số ngày rụng trứng, có kinh nguyệt hoặc trong sinh nở kích cỡ của cổ tử cung sẽ giãn rộng hơn so với kích thước trung bình từ 2 -10mm.

Lỗ cổ tử cung chia tử cung làm 2 phần: phần trên âm đạo và phần nằm trong âm đạo và hai phần đó được xem như cổ trong và cổ ngoài tử cung. Cổ ngoài được lợp bởi biểu mô lát tầng không sừng hóa, còn cổ trong lợp bởi biểu mô trụ đơn. Biểu mô lát tầng gồm nhiều lớp: lớp đáy gồm các tế bào hình khối vuông, nhân bầu dục và có trục vuông góc với màng đáy. Lớp cận đáy với các tế bào bầu dục hoặc đa diện, giữa các tế bào có các cầu nối liên bào. Lớp vảy (Malpighi) gồm 6-12 hàng tế bào sáng, bào tương nhiều và cầu nối liên bào rõ rệt. Lớp bề mặt gồm các tế bào dẹt, nhân nhỏ. Biểu mô trụ đơn: gồm một hàng tế bào hình trụ cao, nhân nằm cực đáy và bào tương chứa nhiều chất nhầy

Tế bào cổ tử cung dễ bị tổn thương bởi sự phát triển của các tế bào bất thường ở độ tuổi dậy thì, trong lần mang thai đầu tiên và vài tuần đầu sau khi sinh con. Thông thường điểm giao nhau nơi da của âm đạo nối tiếp với da của tử cung hướng về phía tử cung và các tế bào được bảo vệ. Tại những thời điểm dễ bị tổn thương, điểm nối này mở rộng về phía âm đạo vì vậy các tế bào nhạy hơn với những thay đổi và chất gây ung thư.

Chức năng cổ tử cung

Chức năng cổ tử cung là đưa máu ra ngoài, cản trở các vi khuẩn xâm nhập vào tử cung, giúp trứng gặp tinh trùng.

Không chỉ thế, cổ tử cung cũng nắm giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong cơ thể phái nữ. Cổ tử cung là cấu trúc đảm nhiệm chức năng sản xuất dịch nhầy để tạo cơ hội thuận lợi cho giai đoạn kết hợp, giúp tinh trùng có thể dễ dàng vận động vào sâu bên trong tử cung để tới ống dẫn trứng cũng như thụ thai.

Ngoài ra, bộ phận này còn có vai trò bảo vệ sự phát triển thông thường của thai nhi trong bụng mẹ, ngăn chặn tạp khuẩn có hại gây tác động tới thai nhi. Đối với những trường hợp sinh thường, cổ tử cung có khả năng tự giãn nở chiều dài để thai nhi có thể chào đời.

Cổ tử cung mở bao nhiêu thì mẹ sẽ sinh con?

Ung thư cổ tử cung

Các loại ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là dạng ung thư khởi phát tại cổ tử cung – khe hẹp nối âm đạo và tử cung. Cổ trong cổ tử cung bình thường sẽ có màu hồng khỏe mạnh với lớp tế bào vảy mỏng và phẳng. Ống cổ tử cung được tạo thành bởi một dạng tế bào khác gọi là tế bào trụ. Khu vực giao nhau của hai dạng tế bào này được gọi là khu chuyển đổi, chính là nơi các tế bào bất thường hoặc tiền ung thư dễ phát triển nhất.

Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung (80 – 90%) là ung thư biểu mô tế bào vảy. Ung thư tế bào tuyến là dạng ung thư phổ biến thứ hai của ung thư cổ tử cung, được ghi nhận khoảng 10 – 20% số ca. Dạng ung thư này phát triển từ các tuyến tiết chất nhờn trong ống cổ tử cung. Mặc dù ít phổ biến hơn ung thư biểu mô tế bào vảy, tỷ lệ mắc ung thư biểu mô tuyến đang gia tăng, đặc biệt là ở các bạn nữ tuổi đời còn trẻ.

Xét nghiệm Pap là gì?

Xét nghiệm Pap (ThinPrep Pap hoặc Pap smear) để phát hiện bất thường cổ tử cung và cho phép điều trị sớm. Hầu hết những phụ nữ có sự thay đổi tế bào cổ tử cung bất thường tiến triển thành ung thư cổ tử cung chưa bao giờ làm xét nghiệm Pap hoặc chưa từng kiểm tra trong ba đến năm năm trước khi bị chẩn đoán ung thư.

Ung thư cổ tử cung có xu hướng xảy ra ở độ tuổi trung niên. Nó thường được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi từ 35 đến 44. Bệnh hiếm khi ảnh hưởng đến phụ nữ dưới 20 tuổi và hơn 15% chẩn đoán được thực hiện ở phụ nữ trên 65 tuổi. Nhưng ở nhóm phụ nữ trên 65 tuổi, ung thư thường xảy ra ở phụ nữ đã không làm xét nghiệm sàng lọc thường xuyên.

Quy trình xét nghiệm

Tầm soát ung thư cổ tử cung

Tại sao tầm soát ung thư cổ tử cung lại vô cùng quan trọng

Thường sẽ mất từ 3-7 năm để các thay đổi nguy cơ cao trong các tế bào cổ tử cung biến đổi thành ung thư. Sàng lọc ung thư cổ tử cung có thể phát hiện những thay đổi này trước khi chúng trở thành ung thư. Phụ nữ có những thay đổi nguy cơ thấp có thể được kiểm tra thường xuyên hơn để xem liệu tế bào của họ có trở lại bình thường hay không. Phụ nữ có những thay đổi nguy cơ cao có thể được điều trị để loại bỏ các tế bào.

Các loại xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung

Sàng lọc ung thư cổ tử cung bao gồm xét nghiệm Pap (ThinPrep Pap hoặc Pap smear, tùy theo chỉ định của bác sĩ), và đối với một số phụ nữ, xét nghiệm HPV. Cả hai xét nghiệm đều sử dụng các tế bào lấy từ cổ tử cung. Quá trình sàng lọc rất đơn giản và nhanh chóng. Bạn nằm trên một cái ghế đặc biệt và một thiết bị gọi là mỏ vịt được sử dụng để mở âm đạo. Mỏ vịt giúp các bác sĩ có một cái nhìn rõ ràng về cổ tử cung và phần trên âm đạo.

Các bác sĩ sẽ sử dụng một bàn chải chuyên dụng hoặc các thiết bị khác để lấy mẫu xét nghiệm. Mẫu tế bào cổ tử cung này sẽ được bảo quản trong một ống chứa dung dịch đặc biệt và gửi đến phòng xét nghiệm.

Đối với xét nghiệm Pap (ThinPrep Pap hoặc Pap smear), mẫu sẽ được kiểm tra xem có sự hiện diện của tế bào bất thường nào không.

Đối với xét nghiệm HPV, mẫu sẽ được kiểm tra xem có sự hiện diện của 13-14 chủng HPV nguy cơ cao.

Bao lâu nên tầm soát ung thư CTC một lần

Thời điểm thực hiện và loại xét nghiệm phụ thuộc vào tuổi và bệnh sử của bạn.

Các bạn nữ từ 21 – 29 tuổi nên làm xét nghiệm Pap (ThinPrep Pap hoặc Pap smear) mỗi 3 năm. Xét nghiệm HPV không được khuyến cáo.

Phụ nữ từ 30 – 65 tuổi nên làm xét nghiệm Pap và HPV đồng thời mỗi 5 năm (ưu tiên). Hoặc người bệnh có thể làm mỗi xét nghiệm Pap mỗi 3 năm cũng được.

Sàng lọc ung thư cổ tử cung đến khi nào

Khi nào nàng sẽ ngừng sàng lọc ung thư cổ tử cung

Phụ nữ nên ngừng sàng lọc ung thư cổ tử cung sau 65 tuổi nếu không có tiền sử tế bào cổ tử cung bất thường mức độ trung bình hoặc cao hay kết quả ác tính và bạn đã có ba kết quả xét nghiệm Pap âm tính liên tiếp hoặc hai kết quả xét nghiệm đồng âm tính liên tiếp trong vòng 10 năm qua, và kết quả gần đây nhất được thực hiện trong vòng 5 năm qua.

Đã phẫu thuật cắt tử cung thì vẫn cần sàng lọc

Nếu người bệnh đã phẫu thuật cắt tử cung thì vẫn có thể cần sàng lọc. Quyết định này dựa trên việc liệu cổ tử cung đã được cắt bỏ hay chưa, nguyên nhân cần phải cắt bỏ tử cung và liệu có tiền sử thay đổi tế bào cổ tử cung mức độ vừa hay nặng hay ung thư cổ tử cung.

Ngay cả khi cổ tử cung đã bị cắt bỏ tại thời điểm cắt bỏ tử cung, các tế bào cổ tử cung vẫn có thể có mặt ở phía trên của âm đạo. Nếu có tiền sử ung thư cổ tử cung hoặc thay đổi tế bào cổ tử cung, vẫn nên tiếp tục sàng lọc trong 20 năm tiếp theo tính từ thời điểm phẫu thuật.

Các trường hợp nào không cần sàng lọc ung thư CTC thường xuyên

Phụ nữ có tiền sử ung thư cổ tử cung, bị nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV), có hệ miễn dịch yếu hoặc đã phơi nhiễm với diethylstilbestrol (DES) trước khi sinh có thể cần sàng lọc thường xuyên hơn và không nên tuân thủ các hướng dẫn thường quy này.

Khuyến cáo tầm soát này cũng áp dụng cho người bệnh đã tiêm phòng HPV. Phụ nữ đã được tiêm vắc-xin ngừa HPV vẫn cần tuân theo các khuyến nghị sàng lọc theo nhóm tuổi.

Xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung bất thường

Xử lý khi kết quả xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung bất thường?

Nhiều phụ nữ có kết quả sàng lọc ung thư cổ tử cung bất thường. Một kết quả bất thường không có nghĩa là bị ung thư. Sự thay đổi tế bào cổ tử cung thường trở lại bình thường. Và nếu chúng không trở lại bình thường, thường phải mất vài năm để những thay đổi nguy cơ cao trở thành ung thư.

Nếu đã có kết quả xét nghiệm sàng lọc bất thường, xét nghiệm bổ sung cần phải được chỉ định để tìm hiểu xem những biến đổi nguy cơ cao hoặc ung thư thực sự có mặt hay không. Đôi khi, chỉ cần lặp lại xét nghiệm là đủ. Trong các trường hợp khác, soi cổ tử cung và sinh thiết cổ tử cung có thể được khuyến nghị để tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của các biến đổi này.

Nếu kết quả xét nghiệm theo dõi cho thấy những biến đổi nguy cơ cao, người bệnh có thể cần điều trị để loại bỏ các tế bào bất thường. Cần xét nghiệm theo dõi sau khi điều trị và sẽ cần được kiểm tra ung thư cổ tử cung thường xuyên sau khi quá trình theo dõi hoàn tất.

Kết quả xét nghiệm sàng lọc ung thư CTC chính xác đến mức nào?

Như với bất kỳ xét nghiệm khác trong phòng thí nghiệm, kết quả sàng lọc ung thư cổ tử cung không phải lúc nào cũng chính xác. Đôi khi, kết quả cho thấy các tế bào bất thường trong khi các tế bào bình thường.

Đây được gọi là một kết quả “dương tính giả”. Sàng lọc ung thư cổ tử cung cũng có thể không phát hiện ra các tế bào bất thường khi chúng có mặt. Đây được gọi là một kết quả “âm tính giả”.

Để giúp ngăn ngừa kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả, người bệnh nên tránh thụt rửa, quan hệ tình dục và sử dụng thuốc đặt âm đạo hoặc các sản phẩm vệ sinh trong 2 ngày trước khi thử nghiệm. Cũng nên tránh làm các xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung khi đang có kinh nguyệt.

Bài viết tham khảo nguồn: Hiệp Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *